THIỀN TRÀ

Đã bao giờ bạn nghe đến từ thiền trà? Thiền trà được xem là thiền tập khi uống trà. Bạn dành ra khoảng hai giờ đồng hồ để uống trà và ăn miếng bánh nhỏ.

Thiền trà phổ biến được tổ chức tại chùa, nhưng cũng có thể được tổ chức tại nhà với sự tham gia của bạn bè cũng như người thân trong gia đình. Để có một buổi thiền trà thành công, người tham dự buổi thiền trà không nên quá đông tối đa là khoảng mười sáu người. Cùng tham khảo bài viết với Hưng Mộc Trà để tìm hiểu về thiền trà nhé.

Thiền trà có từ bao giờ?

Theo lịch sử ghi chép lại, những người sử dụng lá chè đầu tiên là các vị thiền sư. Lúc đó các vị đã nhận ra rằng chè xanh khi nấu lên và uống thì sẽ khiến con người ta tỉnh táo giúp ngồi thiền không buồn ngủ. Về sau, chỉ có những lá non của cây chè tàu được dùng để ướp thành trà. Thiền và trà đã có duyên với nhau trong lịch sử từ rất lâu về trước. Tại mỗi thiền viện, thiền sinh nào cũng sẽ được uống trà. Và chú tiểu nào cũng biết pha trà.

Thiền trà có tác dụng gì?

Tham dự thiền trà giúp người ta cảm thấy thoải mái, an lạc, và hạnh phúc. Trong lúc đó ta hoàn toàn sống với giờ phút hiện tại. Ở đó là sự hiện diện của những người thân.

Để có một buổi thiền trà ta cần những gì?

Nếu trong buổi thiền trà có 10 người tham dự, thì trà giả phải chuẩn bị 11 chén trà và 11 chiếc bánh nhỏ. Vì một chén trà và một chiếc bánh được dâng lên bàn thiền tổ. Thiền tổ ở đây có thể là Bụt hay một vị thiền sư khai sáng thiền viện. Lưu ý, trên bàn thờ thiền tổ phải có hình tượng của thiền tổ, hoa, và một lư hương dùng cho việc cắm hương.

Lưu ý: Trà và bánh dâng lên cho thiền tổ được đặt trong 1 chiếc khăn nhỏ. Khăn có chất liệu bằng giấy hoặc bằng vải. Bánh để thiết đãi các vị trà khách cũng được đặt lên chiếc khăn như vậy.

Phương thức thiền trà

Tham dự thiền trà gồm có 3 thành phần chính là trà giả và trà chủ và trà khách

Khi tham dự, trà giả và trà chủ phải biết số khách nhất định để chuẩn bị đủ số lượng nệm ngồi và gối ngồi. Trong buổi thiền trà, khay trà sẽ được truyền từ tay người này sang tay người khác. Mọi người ngồi thành một vòng tròn. Còn trà chủ ngồi ngay trước bàn thờ thiền tổ, quay lưng lại với bàn thờ này.

Trong buổi thiền trà, người pha trà không hề đứng dậy. Tất cả mọi dụng cụ pha trà đều nằm trong tầm tay. Trà giả thông thường sẽ ngồi cách vị trà chủ chừng 3 người về phía tay phải.

Có những trường hợp buổi thiền trà có số người tham dự đông. Trà giả có thể mời một người phụ tá cho mình. Vị phụ tá sẽ là một vị trà khách, ngồi ngay bên tay phải của mình.

Các điểm lưu ý khi thiền trà

Ngay từ khi bước vào trà xá, bạn nên chú tâm vào giây phút ấy, theo dõi từng hơi thở của bản thân và duy trì tĩnh lạc. Trong thời gian thiền trà bạn có thấy thảnh thơi và an lạc không? Nếu câu trả lời là có thì bạn đã biết tham dự thiền trà. Bạn hãy để cho tâm hồn mình tự nhiên đừng gò bó hay cố gắng.

Càng tự nhiên bao nhiêu bạn sẽ càng tĩnh lạc bấy nhiêu. Những lúc này bạn nên thong thả thưởng thức chén trà và chiếc bánh trong tay mình. Trong trường hợp hết trà mà bạn vẫn muốn thưởng thức, bạn hãy chắp tay thành búp sen. Lúc này vị trà giả sẽ truyền tới 1 chiếc khay trống.

Khi khay truyền tới, bạn đưa chén trà không của mình đặt vào khay. Chiếc khay sẽ được đưa trở lại vị trà giả và sau khoảng một vài phút thì chén trà của bạn sẽ được đưa trở lại.

Trong buổi thiền trà nghi lễ mọi người chia sẻ về những niềm vui, lòng biết ơn của mình, nhưng cũng có thể chia sẻ những khó khăn đang gặp phải để những người xung quanh có cơ hội sẻ chia và giúp đỡ. Ngoài ra nếu ai có bài thơ, bản nhạc có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm, thì đây cũng là dịp đem ra cúng dường đại chúng.

Bắt đầu thiền trà

Khi đến giờ bắt đầu buổi thiền trà, sẽ có 3 tiếng chuông được thỉnh lên. Và cánh cửa trà xá được mở rộng. Lúc này 2 thành phần chính của buổi trà trà chủ và trà giả sẽ đứng chắp tay hai bên cửa để mời trà khách vào.

Trà khách lúc đó sẽ tiến vào trà xá, từng vị trà khách. Sau khi chắp tay chào hai vị trà chủ và trà giả sẽ tiến tới đồng thời nghiêng mình trước bàn thờ thiền tổ.

Tiếp theo đó, mọi người cùng nhau đứng chắp tay thành nhiều hàng trước bàn thờ thiền tổ. Nên nhớ chúng ta sẽ để cho hàng đầu trống vì đó sẽ là chỗ đứng của vị trà chủ.

Sau khi mọi người đã đi vào hết trong trà xá, vị trà giả sẽ khép cánh cửa và đi lên. Vị trà giả sẽ cẩn trọng thắp nến, đốt một cây hương sau đó từ từ mang đến cho vị trà chủ. Trà chủ chắp tay cúi đầu nhận đón cây hương, nâng hương lên quán tưởng.

Đại thiền trà là gì?

So với buổi thiền trà nghi lễ đại thiền trà đã được giản lược đi rất nhiều. Đại thiền trà không có những nghi lễ như dâng hương, đảnh lễ, không có trà chủ hay trà giả mà chỉ có người chủ tọa ngồi chuông.

Trước khi tham dự thiền trà, các khách mời được hướng dẫn tới một chiếc bàn để sẵn bánh và trà gần đó mỗi người sẽ tự lấy phần trà và bánh của mình rồi đi tới địa điểm tổ chức. Vì đây là một pháp môn thực tập nên mọi người tới tham dự đều có ý thức giữ gìn chánh niệm trong mỗi hành động của mình. Mọi người hoàn toàn giữ im lặng trong khi lấy trà bánh, theo dõi hơi thở và bước những bước chân có ý thức từ bàn trà tới phòng trà.

Tới nơi thì nhẹ nhàng ngồi xuống, mỉm cười, thực tập theo dõi hơi thở để chờ những người tới sau. Tuyệt đối tránh gây tiếng động, tránh nói chuyện dù là thầm thì để giữ không khí thanh tịnh. Khi mọi người đã tới hết, chủ tọa mới thỉnh chuông để bắt đầu. Trong đại thiền trà, mọi người cũng chia sẻ những niềm vui, lòng biết ơn của mình để nuôi dưỡng đại chúng, nếu ai có bài thơ hoặc bản nhạc nào hay thì cũng nên chia sẻ để góp vui.

Thiền trà không chỉ độc quyền trong chốn thiền môn. Thiền trà là một nét đẹp văn hóa có thể áp dụng vào trong đời sống hàng ngày. Trong những buổi sinh nhật, mừng thọ, họp gia đình, họp bạn, chúng ta cũng có thể tổ chức các buổi thiền trà.

Đây là cơ hội để các thành viên có thể lắng tâm lại để nhìn rõ mặt những người thương, bè bạn xung quanh mình. Kể lại những kỷ niệm đẹp, chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống có tác dụng nuôi dưỡng thâm tình và xí xóa những hiểu lầm, hờn giận.

Trả lời 

Trả lời