TRÀ ỐNG LAM LÀ GÌ?
Trà ống lam hay còn ngắn gọn là trà lam, là loại trà được nhét trong ống tre rồi được để gác bếp hay hơ gần bếp lửa. Lúc này sức nóng và khói của bếp lửa sẽ giúp “nướng” lá trà được nhét bên trong. Tạo nên hương vị đăc trưng.
Từ “lam” trong tiếng Thái có nghĩa là nướng. Thế nên cơm lam là một dạng cơm nướng. Và trà lam hay trà ống tre có thể hiểu là một dạng trà nướng.
Trà lam được làm ra bằng cách nhét Trà Phổ Nhĩ Sống hoặc Trà Shan Tuyết vào trong ống tre tươi. Bịt chặt một đầu. Sau đó được nướng trên bếp lửa để vừa nướng trà lại vừa làm khô ống tre.
Nhờ vậy mà trà ở bên trong ống tre dần chuyển sang màu nâu nhạt. Hương vị trà cũng rất đặc biệt. Có một chút khói, một chút gỗ, một chút thuốc lá và caramel.
MỤC ĐÍCH RA ĐỜI CỦA TRÀ LAM
Nhiều người sẽ tự hỏi là tại sao trà đã làm thành phẩm rồi. Mà lại còn nhét vào ống tre để nướng thêm một lần nữa để làm gì?
Thay đổi hương vị
Theo mình hiểu thì mục đích đầu tiên của việc này đó chính là làm tăng thêm hương vị. Trà ống lam sau công đoạn chế biến sẽ có hương vị khói nhẹ nhàng. Với một chút hương gỗ đến từ ống tre.
Không chỉ riêng trà lam mà trên thế giới cũng có nhiều loại trà được nướng để giúp tăng thêm hương vị. Chẳng hạn như ở vùng trà Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) thì họ cũng hun khói là từ gỗ tùng để giúp tăng thêm hương vị.
Rồi ở Nhật cũng có một loại trà nướng cũng rất nổi tiếng tên là hojicha. Hojicha vốn dĩ là trà xanh. Thế nhưng loại trà này phải trải qua một công đoạn “nướng”. Đó là khi lá trà xanh được cho vào hũ sứ và hơ trên lửa than.
Thế là từ từ thì lá trà xanh dần dần chuyển sang nâu. Hương vị tươi mới của lá trà xanh dần dần chuyển sang màu tối hơn. Như kiểu cà phê, caramel và chocolate.
Chính vì vậy nên mục đích đầu tiên của việc làm nên trà ống lam đó chính là giúp cho trà thay đổi hương vị.
Giúp trà có tính ấm
Lý do thứ hai mà để làm nên trà ống lam đó chính là thay đổi tính của lá trà. Có nghĩa là chuyển lá trà từ tính lạnh sang tính ấm.
Người Việt chúng ta rất hay dùng “tính nóng lạnh” để mô tả tính chất của một loại thực phẩm. Ví dụ như các loại rau xanh như rau má được tin là có tính mát. Còn ớt hay tiêu thì lại có tính nóng.
Ẩm thực của Việt Nam được xem là cân bằng nhất thế giới. Vì có sự dung hoà giữa đạm, tinh bột và rau củ. Rồi cân bằng giữa tính mát và ấm.
Đối với trà thì trà xanh được xem là có tính hàn hay tính mát. Thế nên sẽ thích hợp uống vào những ngày nóng bức. Còn những loại trà lên men cao như trà đen thì được xem là có tính ấm. Thích hợp cho người già hoặc uống vào những ngày lạnh.
Thế nên mục đích của việc nướng trà trong ống tre đó chính là làm thay dổi tính chất của lá trà. Từ tính mát chuyển sang tính ấm. Nhờ vậy mà những người đồng bào có thể sử dụng trà cho người cao tuổi. Hoặc những ngày đông lạnh giá.
Bảo quản trà lâu hơn
Như những loại thực phẩm gác bếp khác. Thì việc cho trà và ống tre rồi nướng lên cũng sẽ giúp trà bảo quản được lâu hơn.
Lớp cháy bên ngoài lá trà hay lớp ám khói sẽ giúp diệt khuẩn. Và tạo thành một lớp màng bảo vệ lá trà bên trong. Và đây cũng là một cách bảo quản trà có từ lâu đời.
Vào thế kỷ 17, khi mà người Hà Lan lần đầu chở trà từ Trung Quốc sang Châu Âu. Thì sau những chuyến hải trình dài ngày kéo dài hàng tháng. Cộng với độ ẩm cao từ biển. Thì các loại trà xanh gần như là mất hương vị hết.
Riêng chỉ có các trà hun khói từ Vũ Di là vẫn giữ được phần lớn hương vị. Nhờ vào việc trà ở nơi đây được hun khói sau khi chế biến.
Một phần của việc giữ trà được lâu là vì trà ở Vũ Di là trà lên men cao (khoảng 80 đến 90%). Thường thì trà lên men cao sẽ hay giữ được lâu. Một phần nữa là lá trà được đã được hun khói sau khi chế biến. Tạo nên một lớp cháy giúp diệt khuẩn và bảo vệ hương vị lá trà ở bên trong.
CÁCH PHA TRÀ ỐNG TRE
Đối với trà ống lam thì việc khó nhất chính là lấy trà ra khỏi ống. Ngày xưa mình ghét uống trà ống tre cũng chính vì vậy. Có chỗ họ nhồi trà quá chặt nên rất khó lấy trà ra khỏi ống tre. Nhiều khi tức quá chặt đôi luôn cả ống để cho dễ lấy trà.
Sau này thì họ bắt đầu dùng ống tre to hơn. Rồi nhồi trà nhẹ nhàng hơn. Nên trà cũng dễ lấy hơn. Chỉ cần đập nhẹ là phần trà sẽ tự trồi ra khỏi ống. Chỉ cần dùng tay nhẹ nhàng bẻ một cục nhỏ là pha được rồi.
Đối với mình thì trà lam pha kiểu gì cũng sẽ tốt. Vì loại trà này thực chất rất dễ pha. Thường thì mình hay dùng nước sôi nhất có thể. Rồi hãm khoảng 10g trà cho ấm cỡ 300ml nước. Mình không tráng để giữ vị khói và vị gỗ của tre. Đổ nước sôi vào rồi hãm luôn nước đầu, hãm tầm 3 phút rồi uống luôn. Sau đó cứ chế nước rồi hãm dài ra một chút.
Thường thì đối với các loại trà mà kiểu trà Phổ Nhĩ hay trà shan tuyết của nước mình. Thì mình hay pha kiểu đậm đà. Vì trà nước mình rất đậm. Nhiều người thường pha nhẹ cho dễ uống. Còn mình thì nếu nó đã đậm thì cho đậm luôn. Hãm nước sôi và dài thời gian. Uống như vậy mới đã miệng.