1. Phân loại trà Phổ Nhĩ theo hình dạng
Đây là cách phân loại trà Phổ Nhĩ dễ nhận biết nhất. Trà Phổ Nhĩ có nhiều hình dạng khác nhau với đủ kích cỡ và có trọng lượng từ 3g đến 5kg. Sau đây là một số dạng trà Phổ Nhĩ phổ biến:
- Trà Phổ Nhĩ lá rời.
- Trà Phổ Nhĩ đóng gói trong quả cam, bưởi (tiểu thanh cam) hoặc thân tre.
- Trà Phổ Nhĩ đóng bánh dạng tròn, dạng vuông, dạng khối chữ nhật.
- Trà Phổ Nhĩ dạng viên tròn, viên hình nấm, viên tạo hình bí ngô.
Trong các hình dạng trên, trà Phổ Nhĩ được biết đến nhiều nhất với dạng bánh tròn. Cách đóng bánh này được áp dụng phổ biến do có ưu điểm dễ vận chuyển, thuận tiện lưu trữ. Các bánh trà Phổ Nhĩ tròn thường có trọng lượng 357g, 400g và 500g.
Trà Phổ Nhĩ có nhiều hình dạng khác nhau với đủ kích cỡ và trọng lượng
2. Quá trình lên men: Mao trà, Phổ Nhĩ sống, Phổ Nhĩ chín
Quá trình, mức độ lên men có vai trò quan trọng tạo nên sắc nước, hương vị và thành phần của trà Phổ Nhĩ. Dựa vào đặc tính này, trà Phổ Nhĩ được phân loại thành những dạng như sau:
- Mao trà (Maocha): Đây là dạng trà thô đã được làm héo, diệt men, vò, làm khô trước khi đóng bánh.
- Trà Phổ Nhĩ sống: Mao trà sau khi xử lý, không trải qua quá trình lên men mà được đóng thành bánh sẽ tạo nên thành phẩm trà Phổ Nhĩ sống.
- Trà Phổ Nhĩ chín: Trà Phổ Nhĩ chín là loại trà được ủ lên men, trải qua quá trình cọc ướt trong 45 – 60 ngày trước khi đóng bánh. Quá trình này giúp trà đạt được mức độ chuyển hóa tương đối hoàn chỉnh.
Quy trình lên men khác nhau tạo nên loại trà Phổ Nhĩ sống và trà Phổ Nhĩ chín
3. Phân loại trà Phổ Nhĩ theo hương vị
Chất lượng nguyên liệu, quy trình chế biến, điều kiện bảo quản và thời gian lưu trữ khiến những thức trà Phổ Nhĩ có nhiều hương vị khác biệt. Đó là những lớp hương như: Hương gỗ thông lâu năm, mộc nhĩ xào, hương thảo mộc, mật ong, hương trái cây và cả mùi ẩm mốc,…
Bên cạnh đó, một số loại trà Phổ Nhĩ còn có hương vị đặc biệt từ nguyên liệu tẩm ướp như: trà Phổ Nhĩ hương gạo nếp, trà Phổ Nhĩ ống tre có mùi khói, trà Phổ Nhĩ tẩm hoa dạng trà viên, trà Phổ Nhĩ hương cam quýt (Tiểu Thanh Cam),…
Tiểu Thanh Cam – thức trà Phổ Nhĩ có hương cam quýt thanh mát
4. Phân loại theo vùng sản xuất trà Phổ Nhĩ
Trà Phổ Nhĩ được sản xuất tại nhiều quận, thị trấn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mỗi vùng sản xuất có những điều kiện khí hậu, môi trường khác nhau nên có sự ảnh hưởng nhất định đến quá trình lên men. Điều này khiến trà thành phẩm của mỗi vùng có hương vị độc đáo riêng biệt. Dưới đây là một số vùng sản xuất trà Phổ Nhĩ:
- Lục Đại Trà Sơn: Khu vực thuộc vùng núi Tây Song Bản Nạp có điều kiện khí hậu lý tưởng cho quá trình chuyển hóa, lên men của trà Phổ Nhĩ. Vùng đất này bao gồm nhiều núi trà có lịch sử lâu đời. Điển hình là 6 núi trà cổ xưa nằm bên sông Lan Thương (Đông Bắc sông Mekong). Tên các ngọn núi được đặt theo sáu vật kỷ niệm của Gia Cát Lượng để lại trong núi:
- Dị Võ (易武 – Yiwu)
- Ỷ Bang (倚邦 – Yibang)
- Man Chuyên (蛮砖 – Manzhuan)
- Cách Đăng (革登 – Gedeng)
- Mãng Chi (莽枝 – Mangzhi)
- Du Nhạc (攸乐 – Youle)
- Các tỉnh thành khác: Trà Phổ Nhĩ Hồ Nam, trà Phổ Nhĩ Quảng Đông.
Ngoài Trung Quốc, Trà Phổ Nhĩ còn được sản xuất ở những vùng trà tiếp giáp biên giới Vân Nam như: Việt Nam, Lào, Myanmar. Tuy nhiên, thức trà Phổ Nhĩ sản xuất ở nước ta và 2 quốc gia láng giềng vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế.
Trà Phổ Nhĩ chủ yếu được sản xuất tại nhiều khu vực thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
5. Phân loại trà Phổ Nhĩ theo nhóm nguyên liệu
Nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và giá trị của trà Phổ Nhĩ. Về nguyên liệu, trà Phổ Nhĩ được chia thành 3 nhóm chính:
- Trà cổ thụ: Nguyên liệu làm nên thức trà Phổ Nhĩ trứ danh được thu hái từ lá và búp non của cây trà hoang dã có ít nhất 100 năm tuổi. Cây trà có phẩm chất vượt trội tạo nên thành phẩm có hương vị sâu, phức tạp. Nhóm trà cổ thụ có 2 loại:
- Đại Diệp Trà: Phần lớn trà Phổ Nhĩ được sản xuất từ giống trà lá to, có một thân to chính.
- Phổ Nhĩ Kim (hay Phổ Nhĩ lá nhỏ): Một số loại trà Phổ Nhĩ có nguyên liệu được thu hái từ giống trà lá nhỏ, với nhiều thân nhỏ mọc lên từ gốc.
- Trà đại thụ: Cây trà có hàng chục năm tuổi mọc hoang dã hoặc được trồng tại những vùng trà lâu năm. Những cây trà này tạo nên thành phẩm trà có chất lượng tốt, hương vị thơm ngon nhưng được đánh giá kém hơn so với cây trà cổ thụ.
- Thai Địa Trà: Đây là nhóm trà nguyên liệu ít tuổi, được trồng trên các đồi trà, đồn điền. Nhóm trà này có chất lượng kém nhất, thiếu vị êm đằm và có vị đắng, chát.
Trà Phổ Nhĩ được sản xuất từ cây trà cổ thụ có chất lượng tuyệt hảo nhất với hương vị sâu, phức tạp
6. Thức trà Phổ Nhĩ phân loại theo mùa thu hoạch và sản xuất
Mùa thu hoạch nguyên liệu và thời điểm sản xuất có ảnh hưởng đáng kể đến hương vị của trà Phổ Nhĩ thành phẩm. Theo đó, trà Phổ Nhĩ mùa xuân được đánh giá cao nhất, tiếp đến là trà mùa thu và xếp hạng cuối cùng là thức trà mùa hè. Trà Phổ Nhĩ hiếm khi được sản xuất vào mùa đông vì tiết trời không thuận lợi cho quá trình lên men, chuyển hóa.
Thức trà Phổ Nhĩ được sản xuất vào mùa xuân có chất lượng cao nhất
7. Theo lớp đóng bánh
Trà Phổ Nhĩ khi đóng bánh thường được sắp xếp trên 10 lớp. Số lượng lớp trà nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước, chất lượng lá. Việc phân loại lớp thường không đồng nhất giữa các bánh trà và không có quy định cụ thể tại những cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, bánh trà chất lượng cao được làm từ những lá trà già, lớn, ít lá gãy vụn và được pha trộn các lớp một cách tinh tế để cân bằng hương vị.
Loại trà Phổ Nhĩ thượng hạng được đóng bánh từ những lá trà lớn, ít gãy vụn
Với khá nhiều cách phân loại, trà Phổ Nhĩ thực sự là thức trà đa dạng, phong phú về hương vị lẫn phẩm chất. Mong rằng những thông tin được chia sẻ qua bài viết sẽ giúp bạn nhận định đúng và dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm trà Phổ Nhĩ phù hợp.