Trà Shan Tuyết ở Tả Thàng
Vùng trà Shan tuyết ở Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là vùng trà cổ thụ mới phát hiện nên còn nguyên sơ và mộc mạc của rừng chè cổ thụ Tây Bắc. Cây chè ở Tả thàng có những cây tuổi thọ tới gần 500 tuổi và nhiều cây cao tuổi hơn chưa xác định được niên đại. Lá chè ở những cây cổ thụ này to bằng cả bàn tay người hái, thân cây chè phải 2-3 người ôm mới xuể.
Cây chè đa số mọc thành quần thể ở vị trí hướng Nam núi Tả Thàng rất thuận lợi về nắng và gió cho các phẩm trà Shan tuyết cao cấp như Bạch Trà và Trà Bạch Mẫu Đơn hay Hồng Trà loại tốt… Chất lượng lá chè thu hái từ các cây chè ở đây rất tốt.
Tả Thàng còn là nơi du lịch lý thú vào mỗi độ xuân về hay vào thu hè, khí hậu vừa phải, nắng gió chan hòa và dòng sông Chảy nên thơ bên cạnh công trình thủy điện Bắc Hà là lý do khiến bao du khách mê mẩn mỗi khi đến.
Xét về vùng nhiên liệu thì cây Chè ở Tả Thàng cho Trà chất lượng tốt hơn như vị hậu ngọt sâu, mùi thơm trong trà có vị lúa mới như cốm non ở mỗi độ thu về. Trà Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng cũng có thể được chế biến đa dạng thành nhiều loại trà khác nhau như trà xanh, bạch trà, hồng trà, trà đen…
Trà shan tuyết Suối Giàng
Suối Giàng – địa danh thuộc xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái. Xã Suối Giàng nằm ở độ cao 1.400 mét so với mực nước biển nên có khí hậu mát mẻ, trong lành. Trung tâm của xã nằm ở khu vực rừng núi hiểm trở, quanh co bởi những vách đá và rừng nguyên sinh. Không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp nên thơ, núi rừng hùng vĩ mà từ lâu nay, đây là địa danh nổi tiếng nhờ loại trà shan tuyết hàng trăm năm tuổi.
Trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng là một trong những loại trà tồn tại lâu đời nhất Việt Nam, gắn liền với bao thế hệ cha ông từ nhiều đời, không một ai biết, không một ai dám khẳng định vì sao có sự xuất hiện của loại trà này. Trà vừa là bạn, vừa là truyền thống gắn liền với mảnh đất Suối Giàng nói riêng và đất trời Tây Bắc nói chung.
Hương vị của trà shan tuyết Suối Giàng rất đặc trưng, không giống như các vùng chè cổ thụ khác. Cũng là tiền chát dịu, hậu ngọt rất sâu nhưng cho vị nhẹ nhàng hơn các vùng khác.Nước chè sóng sánh như mật ong rừng, sau khi uống vị ngọt, đượm cảm nhận được vị của chè rất lâu như hương của núi rừng tan dần trong miệng.
Trà shan tuyết Tà Xùa
Tà Xùa là một xã thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, đây cũng chính là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái. Đỉnh Tà Xùa với độ cao khoảng 2800m so với mực nước biển, là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Nơi đây sở hữu thứ đặc sản đã trở thành thương hiệu, chính là chè Tà Xùa – gọi đầy đủ là trà shan tuyết cổ thụ Tà Xùa. Hàng trăm năm qua, những cây chè đã bén rễ hình thành, gắn bó với người dân nơi đây, trở thành nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình.
Trà shan tuyết cổ thụ Tà Xùa mang những hương vị mà bất cứ ai thử qua cũng phải nhớ về. Nước trà shan tuyết cổ thụ Tà Xù chất lượng thường có màu vàng ánh xanh, trong và ít cặn. Nhấp môi lần đầu tiên, ta sẽ ngay lập tức cảm nhận được mùi hương thanh khiết cùng vị trà cổ thụ đầy tinh tế. Nhấp 1 ngụm trà, vị chát lan tỏa dễ chịu và dần kết thúc bằng vị ngọt còn đọng lại nơi cổ họng, thật thú vị…
Trà shan tuyết Hà Giang
Hà Giang là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, người ta còn gọi là chè Shan tuyết.
Hà Giang được thừa hưởng khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù nên chè ở đây búp to, được phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Các gốc chè có thâm niên tới hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp trà to khác với các loại chè khác; người hái phải trèo lên mới thu hoạch được.
Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sung bằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng.
Ở Hà Giang, chè Shan phân bố hầu khắp các huyện, trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300 – 1.000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng sinh thái có chè Shan như: Lũng Phìn (Đồng Văn) đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ (Hòang Su Phì) đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên) đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon nổi tiếng.
Chè Shan Hà Giang được chế biến theo phương pháp thủ công của người Mông, người Dao… phải chế biến và bảo quản sao cho khéo léo để không làm hỏng mất vị và công dụng của chè Shan tuyết.
Từ khâu hái che đến khi ra thành phẩm, người dân đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Nước trà Shan Tuyết có màu vàng như mật ong và cả một chút “tuyết” của lá trà trôi bồng bềnh trên mặt nước. Nhấp một chén trà đưa lên miệng sẽ cảm nhận được hương thơm dìu dịu rồi đến vị hơi đắng nơi đầu lưỡi nhưng vị ngọt thanh ngay sau đó sẽ lan tỏa khắp khoang miệng.