Nhiều người cho rằng các dạng lỗ lọc trong Ấm Tử Sa quyết định tới độ mạnh của dòng nước khi rót ra. Nhưng không phải như vậy, số lượng lỗ lọc không có mối quan hệ trực tiếp với tốc độ của dòng nước trong ấm. Thay vào đó, độ mạnh của dòng nước sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố: Áp lực nước, Áp suất khí quyển, Thủy động lực và Lượng nước rót ra.
Có ba loại lọc thường thấy trên Ấm Tử sa: Lọc đơn khổng (lọc một lỗ); Lọc hoa mai (lọc nhiều lỗ) và Lọc tổ ong (hình dạng giống như tổ ong). Hãy cùng Hưng Mộc Trà tìm hiểu ưu nhược điểm từng kiểu lọc trong bài viết sau.
Lọc đơn khổng
Đây là kiểu lỗ lọc được chế tác sớm nhất được chế tác cho ấm tử sa. Kiểu lọc này chỉ có một lỗ duy nhất được đục qua thành ấm trà, nơi vòi nối với thân. Chúng có thể được tìm thấy trên các Ấm tử sa cổ nhất và là loại lọc chủ yếu được sử dụng trong thời nhà Minh – Thanh và vẫn được chế tác cho đến hiện nay. Sử dụng ấm trà một lỗ lọc cần một chút cẩn thận khi rót để tránh vòi bị tắc lá trà. Tuy nhiên lọc độc khổng lại mang lại cảm giác xưa cũ cho ấm tử sa, nên cho đến hiện tại vẫn được các nghệ nhân Nghi Hưng chế tác và người chơi ấm tử sa yêu thích. Để tránh trường hợp bị tắc này, hiện nay, đã có bộ phận lưới lọc bằng inox làm riêng để gắn vào lỗ lọc, thường gọi là lọc Đài Loan.
Lọc hoa mai
Kiểu lọc hoa mai được chế tác vào cuối thời nhà Thanh để giải quyết vấn đề lá trà làm tắc bộ lọc. Các loại lọc hoa mai phổ biến nhất sử dụng 7 lỗ, 9 lỗ và 14 lỗ.
Có hai phương pháp để chế tác bộ lọc hoa mai:
- Nếu vòi rộng ở phần gốc nơi nó kết nối trực tiếp với thân, thì các lỗ được đục trực tiếp qua thân tại điểm này trước khi vòi được nối vào thân ấm.
- Nếu vòi mỏng và nhỏ hơn, thì vùng trên thành ấm nơi nối với vòi sẽ bị đục vào trong lòng ấm một cách cẩn thận để tạo thành các vết đất đùn vào bên trong và sau đó các lỗ sẽ được đẩy qua tại điểm này. cho phép tạo ra diện tích bề mặt lớn hơn cho lỗ lọc và rót nhanh hơn. Phương pháp này khó hơn vì dễ làm hỏng phần thân xung quanh khi khoan vào thành ấm trà hoàn toàn thủ công hoặc
bán thủ công.
Lọc tổ ong
Lọc tổ ông được chế tác tại Nghi Hưng từ những năm 1970, học theo cách chế tác của ấm sứ Nhật, và được dùng cho những ấm trà xuất khẩu sang Nhật bản.
1. Ưu nhược của lọc tổ ong
Thiết kế bộ lọc tổ ong được sử dụng để tối đa hóa diện tích bề mặt cho ấm và giúp rót nhanh hơn. Nó đã trở thành một thiết kế rất phổ biến ở Nghi Hưng sau khi được áp dụng.
Tuy nhiên, lọc tổ ong có một nhược điểm là rất hay bị đọng nước trong ấm trà sau khi rót do vẫn còn một khoảng hở nhỏ khi gắn lọc vào thân ấm, làm cho nước trà trong ấm luôn bị đọng lại, việc này gây bất tiện khi vệ sinh cũng như dễ làm cháy trà khi pha.
Đồng thời, lọc tổ ong cũng hay bị tình trạng bã trà bị dính ở phần mặt sau lưới lọc, cực kì khó vệ sinh và tạo ra mùi hôi cho ấm khi vệ sinh không sạch.
2. Chế tác lọc tổ ong
Hầu hết các bộ lọc tổ ong được tạo ra bằng cách sử dụng khuôn. Một khuôn tròn bằng inox với hệ thống các kim được sử dụng để tạo hình dạng bộ lọc và sau đó các lỗ của bộ lọc được đục qua. Ngày nay có các xưởng chỉ chuyên sản xuất các bộ lọc tổ ong. Người thợ làm ấm có thể mua bộ lọc tổ ong hoàn chỉnh và sau đó gắn nó vào ấm. Vì các xưởng này thường sử dụng đất sét riêng của họ, một số ấm trà có bộ lọc tổ ong có thể làm từ một loại đất sét khác với đất được sử dụng cho thân ấm trà. Ngoài ra, còn có thêm một cách chế tác lọc tổ ong là sau khi thân ấm được chế tác xong, người thợ sẽ dùng một dụng cụ đầu hình cầu để nhấn lõm phần thân ấm vào trong để tạo hình cầu của lọc tổ ong, sau đó sẽ đục lỗ, cách chế tác này hơi khác một chút so với cách chế tác truyền thống, cầu kì hơn và được xem là dấu hiệu nhận biết của một nhóm nghệ nhân làm ấm tự xưng là “Thực lực phái”.
Theo quan điểm của mỗi người, mỗi loại lọc đều có những ưu nhược riêng của mình. Tuy nhiên, vì Ấm Tử Sa là một trò chơi mang tính cổ điển cho nên hãy ưu tiên những ấm thuộc về cốt lõi bản sắc của Ấm tử sa, có thể theo thứ tự là Lọc hoa mai – Lọc đơn khổng – Lọc tổ ong.