Table of Contents
Cùng Hưng Mộc Trà đi vào tìm hiểu Lục Trà là gì cũng như công dụng của nó qua bài viết dưới đây nhé!
Lục trà – trà xanh là gì?
Lục trà (hay trà xanh) là loại trà phổ biến nhất ở Việt Nam. Quy trình chế biến trà xanh bao gồm 4 bước: thu hái, làm héo, vò trà và sao trà. Trà xanh không trải qua quá trình oxy hóa, bởi vậy, ngay sau khi thu hái, người làm trà tiến hành nhanh công đoạn làm héo và lập tức ngăn chặn quá trình oxy hóa bằng cách sao hoặc hấp diệt men. Nhiệt độ cao làm ngừng quá trình hoạt động của các enzyme.
Quy trình chế biến lục trà – trà xanh
Trà xanh được chế biến từ các búp non của cây trà, chủ yếu trải qua 4 bước để tạo ra thành phẩm trà khô.
Thu hái: là quá trình thu hoạch búp trà, thường gồm 1 búp và 2 lá non liền kề (1 tôm 2 lá); 1 búp và 1 lá liền kề (1 tôm 1 lá) hoặc nguyên 1 búp lá (1 tôm).
Làm héo trà: Sau khi thu hoạch, lá trà sẽ phải trải qua giai đoạn làm héo. Mục đích của giai đoạn này làm giảm lượng nước có trong lá trà. Khi lượng nước giảm thì hàm lượng chất khô đậm đặc hơn, tạo điều kiện cho các phản ứng hóa học diễn ra dễ dàng. Ngoài ra, lá trà dẻo dai hơn nên khi trải qua quá trình vò sẽ ít bị dập nát.
Vò trà: Mục đích của công đoạn này là phá vỡ một số tế bào để tanin bị oxi hóa có tác dụng làm giảm chát cho lục trà và làm cho búp trà xoăn lại. Công đoạn này yêu cầu độ dập tế bào đạt khoảng 45%. Điều kiện cần thiết: độ ẩm không khí 90%, nhiệt độ 22 – 24oC , vò 2 lần mỗi lần 30 – 45 phút.
Sao khô: Đây là công đoạn cuối cùng, giúp làm khô trà từ độ ẩm khoảng 65% xuống còn 3 – 4%, tạo sự biến đổi hóa học để chuyển hóa các chất và tạo thành hương thơm và mùi vị đặc trưng cho lục trà.
Hương vị và màu sắc của lục trà
Lục trà khi hãm có màu sắc và hương vị giống với lá trà tươi. Nước trà thường có màu xanh nhạt hoặc vàng nhẹ. Khi thưởng thức trà xanh, người uống sẽ cảm nhận được vị đắng, vị chát nhẹ và cuối cùng là vị ngọt hậu đọng lại.
Lục trà (trà xanh) có độ chát cao hơn các dòng trà khác do chất polyphenol được giữ lại nhiều.
Cách pha trà xanh
Bộ dụng cụ pha trà cơ bản gồm có: ấm pha trà, tống chuyên trà và chén quân thưởng trà.
Đun nước: Pha trà nên sử dụng nước tinh khiết (có thể dùng nước tinh khiết đóng chai. Hầu hết các loại trà đều pha bằng nước dưới nhiệt độ sôi, đối với trà xanh nên dùng nước trong khoảng từ 80oC – 90oC.
Tráng ấm, chén: Tráng sạch ấm và chén bằng nước sôi trước khi pha. Đặc biệt, đối với ấm trà nên tráng toàn bộ cả nắp và thân ấm. Đây là một bước vô cùng quan trọng trong cách pha trà.
Đong trà: Cho một lượng trà từ 5gr đến 10gr vào ấm có thể tích 150ml. Khi cho lục trà vào ấm, người pha trà bắt đầu cảm nhận được hương thơm đặc trưng của trà xanh do hơi nóng từ ấm bốc lên mang theo vị trà. Trà ngon sẽ cho hương thơm thanh khiết, tự nhiên.
Đánh thức trà: Nước tráng trà không cần quá sôi; Lượng nước vừa đủ, xâm xấp; Lắc ấm vài vòng rồi đổ nước đi. Mục đích chính của bước này là để cánh trà nở ra, chiết xuất trà dễ dàng và ngon hơn.
Hãm trà: Chế nước sôi vào tống, cho nhiệt độ giảm từ 80oC – 90oC, sau đó dùng nước này để pha trà xanh. Đổ nước vào tống cũng là để xác định lượng nước vừa phải, hợp lý để pha. Hãm trà từ 1-3 phút tuỳ theo sở thích uống trà vị đậm hay thanh nhẹ.
Rót trà và thưởng thức: Rót hết nước trà trong ấm. Khơi trà và để trà nghỉ 1 – 2 phút sau đó tiếp tục thêm nước. 5 – 10gr trà pha được 8 – 10 lần nước.
Công dụng của trà xanh
Theo nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, trong lục trà chứa hàm lượng chất EGCG cao. Đây là chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do – nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, chất EGCG trong lục trà đặc biệt tốt cho làn da và mái tóc như: Làm chậm quá trình lão hóa, Chống viêm da, giảm rụng tóc…
Trong lục trà có các nhóm chất polyphenol và catechins giúp bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Uống lục trà thường xuyên cũng giúp giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ đột quỵ, tai biến.
Ngoài ra, lục trà còn có tác dụng làm giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường, giảm cân và tăng cường chức năng não…