Table of Contents
Vậy hồng trà gì? Lục trà là gì? Chúng khác nhau như thế nào? Trong bài viết này, Hưng Mộc Trà sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc trên của quý vị, cùng theo dõi bài viết nhé.
1. Hồng trà là gì? Lợi ích của hồng trà
1.1. Hồng trà là gì?
Hồng trà hay còn gọi là trà đen, là một loại trà được sản xuất từ những lá trà của một giống cây bụi có tên khoa học Camellia sinensis. Sự khác biệt của nó với nhiều loại trà khác chính là nó sẽ bị oxy hóa hoàn toàn trước khi mang đi chế biến.
Nói một cách đơn giản thì trà đen là “phiên bản” bị oxy hóa cao của các loại trà lục trà hoặc trà ô long. Lá trà sẽ có màu nâu, đen sẫm, khi pha hãm với nước nóng sẽ tạo ra nước trà màu hồng hoặc hổ phách, nên được gọi là hồng trà. Hương vị loại trà này đậm đà hơn các loại trà khác.
Có nhiều loại hồng trà và chúng thường được đặt tên theo khu vực sản xuất trà, ví dụ như hồng trà Ấn Độ, trà đen Sri Lanka, hồng trà Đài Loan, trà đen Trung Quốc… Những vùng đất khác nhau có thể tạo ra hương vị trà đen khác nhau, tùy vào loại đất và phương pháp chế biến.
Trà đen thường được pha trộn với các loại trà, trái cây, hoa, dầu hoặc gia vị khác để tạo ra hương vị và mùi thơm riêng biệt. Chính vì vậy mà chúng ta có rất nhiều các loại thức uống làm từ hồng trà, ví dụ như trà sữa.
1.2. Lợi ích sức khỏe từ hồng trà có thể bạn chưa biết
Trà đen có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mà nhiều người có thể không biết. Trong hồng trà có chất chống oxy hóa, cụ thể là polyphenol và catechin cùng nhiều nguyên tố vi lượng, khoáng chất và các hợp chất khác. Chúng có tác dụng:
- Trà đen có chứa caffeine và L-theanine có thể hỗ trợ trí óc, tăng sự tập trung và tỉnh táo cũng như thư giãn thần kinh tốt.
- Uống một lượng trà đen vừa phải thường xuyên cũng được biết là giúp tăng cường trao đổi chất và hỗ trợ huyết áp khỏe mạnh.
- Nhiều chất chống oxy hóa trong hồng trà có thể giúp giảm các gốc tự do có hại trong cơ thể và ngăn ngừa ung thư cũng như các bệnh thoái hóa khác.
- Hồng trà tốt cho tim nhờ chất flavonoids có thể làm giảm căng thẳng cho tim và giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ.
- Giúp tiêu hóa tốt hơn khi uống một tách trà đen sau các bữa ăn nặng, nhiều chất béo và dầu mỡ, làm dịu các vấn đề về dạ dày.
- Trà đen cũng có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm viêm và làm dịu các triệu chứng của bệnh như viêm khớp.
- Với các đặc tính kháng vi-rút và kháng khuẩn, trà đen có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và bảo vệ bạn khỏi cảm lạnh, cảm cúm và bệnh tật.
2. Lục trà là gì? Tác dụng của lục trà là gì?
2.1. Lục trà là gì?
Lục trà hay còn gọi là trà xanh, cũng là loại trà được làm từ lá của cây chè, tên khoa học là Camellia sinensis – cùng loại với cây chè đen. Đây là một loại cây bụi thường xanh có nguồn gốc từ khu vực rừng phía tây nam của Trung Quốc, có khả năng phát triển mạnh ở những khu vực có nhiệt độ mát mẻ.
Nhìn chung, về màu sắc, trà xanh sẽ thường có màu xanh hơn, tươi hơn so với trà đen. Màu sắc của trà khi pha sẽ có màu xanh nhạt hoặc vàng chanh đẹp mắt. Hương vị của lục trà sẽ ngọt hơn, dịu hơn so với các loại hồng trà và ô long.
Tất cả các lá trà được thu hoạch bằng tay. Với trà xanh, lá trà sẽ được sao khô ngay sau khi thu hoạch. Điều này tạo nên hương vị tươi mới và nguyên bản cho lục trà. Lá trà xanh không trải qua quá trình oxy hóa nên nước lục trà sẽ vẫn giữ được màu sắc nguyên bản của trà tiết ra là màu xanh và vàng.
2.2. Tác dụng của lục trà là gì?
Nhìn chung, trà xanh và trà đen đều được làm từ một giống trà, nhưng quy trình sản xuất khác nhau dẫn tới màu sắc, hương vị của chúng khác nhau. Nhưng về cơ bản không có quá nhiều sự khác biệt về lợi ích. Dù vậy, cả hai không hoàn toàn giống nhau.
Lục trà không được lên men nên giữ được phẩm chất tự nhiên của lá trà tươi cũng như các chất dinh dưỡng có trong lá trà, như Polyphenol, Catechin, Caffein, Axit Amin, Vitamin và các thành phần dinh dưỡng khác.
Vậy tác dụng của lục trà là gì? Đó là:
- Tăng sự tỉnh táo về tinh thần: Caffein trong trà xanh giúp cải thiện sự tỉnh táo, hưng phấn và năng lượng để con người hoạt động trong thời gian dài.
- Bảo vệ chống lại bệnh tim: Một số nghiên cứu đã hoàn thành cho thấy chất chống oxy hóa của trà xanh có thể giúp giảm huyết áp cao và kiểm soát cholesterol. Từ đó, nó sẽ giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ
- Giảm cholesterol xấu: Sử dụng lục trà thường xuyên sẽ làm giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu). Điều này sẽ là điều kiện để chống lại các bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, béo phì…
- Lục trà có thể phòng chống ung thư: Catechin có trong trà xanh có khả năng ngăn chặn các gốc tự do gây ung thư.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Trong một nghiên cứu trên nửa triệu người trưởng thành ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, tiêu thụ trà xanh hàng ngày có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và giảm nguy cơ tử vong do biến chứng của bệnh nhân tiểu đường.
- Giảm căng thẳng: Trà xanh có chứa rất nhiều L-theanine là một chất giúp làm giảm căng thẳng, tạo sự thư giãn cho thần kinh.
3. Hồng trà và lục trà có nguồn gốc từ đâu?
3.1. Nguồn gốc và lịch sử của hồng trà
Trung Quốc được biết đến là quê hương của trà đen khi chúng được tìm thấy ở đất nước này từ thế kỷ 17. Trước đó, chỉ có trà xanh và trà ô long được sử dụng.
Có thông tin cho rằng, hồng trà được tạo ra từ việc người ta đã lên men lá trà nhằm bảo quản trà được lâu hơn. Trong quá trình lên men, người ta đã tạo ra các lá trà bị oxy hóa mạnh mẽ có màu sắc sẫm hơn bình thường, chủ yếu là màu nâu và đen nên được gọi là trà đen.
Một điều thú vị là người Trung Quốc không ưa chuộng trà đen như trà ô long hay lục trà. Mặc dù đây là mảnh đất sản sinh ra loại trà này, song người Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam sử dụng trà xanh nhiều hơn so.
Ngược lại, phương Tây là nơi sử dụng hồng trà nhiều nhất. Chính người Anh đã đem hồng trà đến châu Âu vào thế kỷ 18 và tạo điều kiện để nó lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Ngày nay, nhiều loại trà đen được sản xuất trên khắp thế giới ngoài Trung Quốc, như Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal và Châu Âu.
3.2. Nguồn gốc và lịch sử của lục trà
Như đã nói, lục trà cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, cụ thể là tìm thấy tại tỉnh Vân Nam của nước này. Tuy nhiên, khác với trà đen, trà xanh được phát hiện sớm hơn.
Lịch sử ghi chép lại rằng, trà xanh đã được trồng từ thời nhà Thương (1600 TCN – 1046 TCN). Một truyền thuyết phổ biến cho rằng Thần Nông – một trong những Tam Hoàng của văn hóa Trung Quốc và được cho là ông tổ của y học Trung Quốc, đã phát hiện ra trà như một loại đồ uống vào khoảng năm 2737 trước Công nguyên khi những lá trà tươi từ cây trà gần đó rơi vào cốc nước vừa đun sôi của ông.
Các ghi chép của lịch sử cũng đã ghi lại việc trồng trà xanh vào thời nhà Hán (206-220) và sử dụng như một vị thuốc. Tuy nhiên, mãi đến đầu thời nhà Đường của Trung Quốc (600-900), tên gọi trà xanh mới chính thức ra đời. Trong thời gian này, chè xanh chỉ được phân phối dưới dạng bánh nén để dễ vận chuyển. Trải qua nhiều thời đại sau đó, trà xanh được trồng và sử dụng phổ biến hơn.
Người Nhật Bản – là những trà sư thuộc phái Thần Nông cũng đã đem trà xanh từ Trung Quốc về trồng. Từ đó, văn hóa uống trà của Nhật Bản được bắt đầu hình thành. Cho đến ngày nay, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè xanh hàng đầu thế giới.
4. Sự khác nhau của hồng trà và lục trà?
Như vậy, lục trà và hồng trà là hai loại trà được làm từ cùng một loại cây trà. Tuy nhiên, do cách chế biến khác nhau mà chúng có những đặc điểm riêng biệt:
- Về màu sắc lá trà: Trà đen có màu đen sậm, còn trà xanh có màu xanh hoặc xanh đen.
- Về màu sắc nước trà: Lục trà có màu xanh hoặc vàng, còn hồng trà có màu hồng hoặc hổ phách.
- Về hương vị trà: Hồng trà có vị chát, đậm đà hơn, trong khi đó lục trà có vị chát nhẹ, hơi ngọt và dịu hơn.
- Về quy trình chế biến: Lục trà sẽ được sấy khô ngay sau khi hái trà về. Hồng trà sẽ được oxy hóa hoàn toàn sau đó mới sấy khô.
- Về nguồn gốc, xuất xứ: Cả hai đều có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng thời gian phát hiện ra trà xanh sớm hơn nhiều so với trà đen.
- Về thị phần: Trà xanh được sử dụng phổ biến ở Phương Đông, trong khi trà đen lại được ưa chuộng ở các nước phương Tây.
- Lượng caffeine: Thông thường, hồng trà có lượng caffeine cao hơn so với trà xanh.
- Nhiệt độ pha trà: Có thể sử dụng nước đun sôi để nguội khoảng 80 độ để pha trà xanh. Nhưng với hồng trà thì nhiệt độ tốt nhất để pha sẽ từ 90 độ.
Trên đây là những thông tin và phần so sánh về hồng trà và lục trà. Về cơ bản chúng đều là những loại trà rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng bằng quy trình chế biến khác nhau mà hương vị, màu sắc trà và cả màu lá trà cũng khác nhau, hàm lượng các dưỡng chất có trong trà cũng không đồng nhất dẫn tới những lợi ích có thể đôi chút khác biệt. Hy vọng các bạn đã phân biệt được hai loại trà này và chọn được loại trà mình yêu thích.